Thứ Sáu, 22 tháng 10, 2010

Hai mươi ngàn đồng

Năm nhất sinh viên, tôi còn trú ngụ ở kí túc xá như bao bạn bè khác. Ở cùng phòng có 1 chị lớp trên. Với cái kinh nghiệm tích lũy để được gọi là chị , chị tìm được một công việc làm tại nhà. Kết hạt cườm lên áo là việc mà sinh viên chúng tôi thích nhất dù tiền thù lao chẳng có bao nhiêu.
Cũng dễ hiểu thôi, sinh viên với cái xe đạp, lại vùng xa trung tâm thành phố, một công việc phù hợp thời gian lên lớp và ổn định đâu phải là chuyện dễ. Các quán đa số thuê thêm người chạy bàn, mà lương thì cao lắm cũng chỉ 300,000 một tháng. Hồi đó, mỗi cái áo kết xong hạt cườm mà không bị chê thì được tính là 800 đồng. Chăm chỉ ngồi 1 buổi thì cũng được khoảng 5 cái. Hôm nào chủ khó tính, chị em đành tháo ra làm lại. Ngặc nổi không phải lúc nào cũng có hàng để làm thêm như thế, lâu lâu mới được vài chục cái, mấy chị em lại chia nhau làm. Tôi cũng không nhớ rõ mình đã làm mấy cái áo hay mấy ngày. Chỉ nhớ lúc giao hàng cho người ta, chị đưa tôi 20,000 rồi bảo "thôi, chị em mình tìm việc khác ổn định hơn mà làm". Cầm 20,000 trên tay, tôi mới biết thế nào là tiền của mình. Tôi nhớ mình kết được nhiều hạt lắm, nhớ tôi đã từng bỏ giấc ngủ trưa, mày mò ngồi mỏi cả lưng. Tất cả chỉ đáng giá 20,000. Tôi tự làm phép nhân chia cộng trừ, để nhận ra những gì gia đình gửi đến cho tôi, những con số hàng triệu thì thời gian và công sức gia đình bỏ ra là bao nhiêu?

Thương

Không nồng nhiệt như "yêu", không dịu dàng như "nhớ", "thương" mang cho mình một nét riêng để người thương và người được thương cứ tròng trành giữa những luồng cảm xúc. Không quá mãnh liệt nhưng đủ để các dây thần kinh nhận biết con tim đang cảm xúc. Nếu "yêu" như muốn thiêu đốt mọi thứ cùng ngọn lửa mà ng ta gọi là "ngọn lửa tình yêu" thì "thương" lại mang đến cái ấm áp nhiều hơn. Sâu lắng sau tiếng "thương" ngoài cái tình còn có cái nghĩa. Chính cái nghĩa mang đến sự tin tưởng và cảm giác chở che. Âm thầm và lắng đọng, "thương" mang đến những cung bậc cảm xúc phức tạp nhưng không cháy bỏng, không dữ dội. Âm thanh mà "thương" phát ra mang nét trầm, là một thanh ngang nhưng kéo dài, không quá nặng về âm tiết nên "thương" mang trên mình sự du dương, trầm bỗng giữa âm cao và âm thấp. Có lẽ vì thế "thương" luôn là cảm xúc dễ đi vào lòng người nhưng lại khó nhạt phai. Vừa ý nhị lại lột tả được tình cảm của các đối tượng dành cho nhau. Cách thể niệm tâm tình không quá xổ sàng của người con trai, cách chấp nhận đầy e thẹn của người con gái. Tất cả được "thương" thể hiện một cách vừa đủ.
"Thương nhau chín đợi mười chờ,
Gừng cay muối mặn xin đừng bỏ nhau"